Salub Việt Nam mến chào bạn
Trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cuối tháng 9 vừa rồi, Salub Việt Nam hân hạnh cùng rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tham dự chương trình hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – Châu Phi” do Bộ Công Thương tổ chức nhằm tìm kiếm thông tin thị trường, chính sách thương mại, tập quán kinh doanh … của các đối tác trong khu vực.
Khu vực Trung Đông – châu Phi gồm 70 quốc gia với gần 1,4 tỷ người sinh sống. Trung Đông – châu Phi là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục Á, Âu, Phi và là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh. Đặc biệt Dubai, UAE là một trong những thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới. Đây là một trong những thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn. Trong năm 2017, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu nước ngoài của khu vực này đạt 1.300 tỷ USD. Hiện nay những mặt hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Đông – châu Phi chủ yếu như nông sản, chế biến, hàng may mặc, nông nghiệp…
Thời gian qua, việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Đông – châu Phi của nước ta gặp nhiều thuận lợi do ở những quốc gia này không đòi hỏi khắt khe về tiêu dùng chuẩn chất lượng. Năm 2017, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và thị trường Trung Đông – châu Phi đạt 18,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 11,6 tỷ USD. Với thị trường đầy tiềm năng như khu vực Trung Đông – châu Phi, đây sẽ là cơ hội cho nước ta thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này.
Nước ta chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi như gạo tiêu, điều, cà phê và hàng thủy sản tiêu dùng. Tuy nhiên việc xuất khẩu hàng hóa nước ta sang thị trường Trung Đông – châu Phi cũng gặp không ít khó khăn như khâu thanh toán, tập quán kinh doanh, ngôn ngữ.
“Với những mặt hàng thực phẩm do quy định của Hồi giáo của các nước khu vực Trung Đông – châu Phi nên chúng ta phải chú ý đến các quy định của đạo Hồi. Cụ thể như những mặt hàng thực phẩm nếu muốn xuất khẩu sang một số nước theo Hồi giáo thì phải có chứng nhận Halal”, ông Trần Khải Hoàn cho biết.
Cũng theo ông Hoàn, trong thời gian tới, việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông – châu Phi cần tập trung một số thị trường trọng điểm, có chính sách cởi mở và nhiều ưu đãi để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông – châu Phi được thuận lợi. Ví dụ như Dubai và UAE là 2 thị trường có những chính sách cởi mở với mức thuế từ 0-5%, không thu thuế doanh nghiệp.
Hiện nay 70% hàng hóa nhập khẩu vào Dubai và UAE được tái xuất sang các thị trường Trung Đông và Bắc Phi. Vì vậy có thể xem 2 thị trường trọng điểm này là cửa ngõ để tiếp tục phát triển và xâm nhập xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Đông và châu Phi.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông – châu Phi trong thời gian tới, cần phải tập trung một số hoạt động cụ thể, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đàm phán và ký kết những bản ghi nhớ hợp tác chuyên ngành thương mại công nghiệp. Bện cạnh đó, tăng cường cập nhật thông tin thị trường cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời.